2011年6月23日星期四

Súp bắp gà

Một chén súp bắp gà có thể cung cấp đủ năng lượng cho bạn để bắt đầu một ngày mới.
Nguyên liệu: (cho 4 người ăn)
150g hạt bắp non
100g thịt gà cắt nhỏ
2 chén nước dùng gà
2 muỗng canh bột năng
1 củ hành tây cắt nhỏ
Gia vị: Dầu ăn, đường, tiêu, muối.



Thực hiện:
Cho dầu vào chảo, xào hành tây thơm. Trút thịt gà vào xào, nêm tiêu, muối cho thơm và đậm đà. Khi thịt gà săn lại tiếp tục cho bắp vào xào khoảng 3 phút.
Nước dùng gà nấu sôi, châm vào chảo gà và bắp xào. Hòa bột năng rót từ từ vào chảo súp, để súp được sánh, nêm vừa ăn trước khi tắt bếp.
Múc súp ra chén, dùng nóng.

2011年6月22日星期三

Bánh nướng khổ qua

Bạn có thể tự tay thực hiện món bánh nướng khổ qua có hương vị thơm, ngọt và hơi đắng, làm món ăn tráng miệng cho cả nhà.
Nguyên liệu:
300g bột nếp
3 trái khổ qua
200g đậu xanh
200g đường
½ chén nước lọc.




Thực hiện:
Khổ qua bỏ hạt, cho vào máy xay nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Xay thêm lần nữa để lấy hết nước cốt màu xanh.
Bột nếp cho vào tô + nước cốt khổ qua + 100g đường + nước lọc, trộn, rồi nhồi bột thật dẻo, sao cho bột không khô, cũng không nhão quá. (Thử bột bằng cách dùng ngón trỏ ấn xuống mặt bột, thấy bột mềm mịn, in dấu tay là được).
Đậu xanh hấp chín, tán nhuyễn cùng 100g đường còn lại, sau đó viên thành những viên nhân nhỏ.
Lấy một lượng bột bánh vừa đủ, cho vào lòng bàn tay ấn dẹp, đặt viên nhân vào giữa, gấp mép cho kín và lăn để bánh được tròn.
Xếp bánh nướng trên vỉ than hồng (hoặc lò nướng), khi bánh nở phồng là được.
Bánh nướng khổ qua ăn nóng mới ngon.

Bì cuốn chay

Nguyên liệu: Hai miếng đậu hủ chiên, 500g củ sắn, 300g khoai tây hoặc khoai môn cao, 30g bún tàu khô; xà lách, rau sống, bánh tráng cuốn; hai muỗng xúp tỏi băm, dầu ăn.
Gia vị: hai muỗng cà phê hạt nêm chay, một muỗng cà phê đường, thính vừa đủ, nước mắm chay.



Ảnh: Nguyễn Luân
Thực hiện:
Đậu hủ chiên xắt sợi dài, nhuyễn. Củ sắn gọt vỏ, rửa sạch, xắt mỏng, rồi xắt sợi dài như đậu hủ, vắt ráo nước, đem xào với dầu ăn cho chín và phải thật ráo.
Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, xắt nhỏ như củ sắn, để ráo nước, thả vào chảo dầu chiên hơi vàng, vớt ra.
Bún tàu ngâm trong nước lạnh, cắt khúc khoảng 6cm, vớt ra, để ráo nước.
Bắc chảo lên bếp, cho vào hai muỗng xúp dầu, phi thơm tỏi băm đến khi hơi vàng, nhắc xuống.
Trộn chung đậu hủ, củ sắn, khoai tây, dầu đã phi tỏi, nêm muối, đường cho vừa ăn, rắc thính vào cho thơm, trộn đều. Xà lách, rau sống các loại nhặt, rửa sạch, xắt nhỏ. Bánh tráng nhúng nước lạnh cho mềm, cho rau sống, bì cuốn chặt lại. Có thể dùng kèm nước mắm chay chua ngọt hoặc nước tương đều được.

2011年6月20日星期一

Cá thính quê nhà

Với nhiều người, cá thính có thể là một cái tên lạ. Nhưng với người dân xứ Quảng quê tôi, cá thính là món ăn quen thuộc, là nỗi nhớ khi mỗi mùa cá về.
Cá thính hay còn gọi là mắm thính là một hình thức cá muối mặn rồi ủ với bột bắp rất phổ biến ở các miền quê xứ Quảng. Cá làm thính có thể là cá trích, cá bạc má, cá mòi…, nhưng người quê tôi thường chọn cá nục và cá ngừ loại nhỏ, bởi hai loại cá này thịt săn chắc, tươi, ngon và rất rẻ (thường chỉ 10.000d một ký). Vì vậy hầu như nhà nào cũng ủ cho mình vài hũ cá thính để dành.
Làm cá thính tuy đơn giản nhưng cần sự tỉ mỉ và cẩn thận từ khâu lựa chọn nguyên liệu và muối cá. Chọn những con cá nục chạch, mập mạp, sáng bóng hay cá ngừ (bằng ba ngón tay) tươi, ngon, móc bỏ mang, ruột. Dùng nước muối nấu sôi để nguội rửa cá cho sạch, vớt ra để ráo, cho vào hũ sành để muối. Nếu rửa bằng nước lạnh thì khi ủ, cá sẽ ít thơm. Cứ một lớp cá thì rải một lớp muối. Lượng muối phải thật nhiều để đảm bảo độ mặn giúp cá không bị phân hủy và thịt cá săn cứng lại. Hũ cá được đậy  kín nắp, ủ trong vòng một tuần cho cá “ăn” muối.




Ảnh minh họa: nguồn internet

Thính làm cá ngon nhất là loại thính làm từ bột bắp. Bắp được rang trên bếp lửa cho chín, không để lửa quá lớn làm bắp cháy, nhưng nếu lửa nhỏ thì hạt bắp sẽ không vàng và không thơm. Khi hạt bắp vàng, dậy mùi thơm ngát là khâu rang bắp hoàn thành. Bắp được giã nhỏ rồi giần (lọc) lấy những hạt bắp nhỏ bằng hạt tấm. Những hạt bắp này sẽ hút nước tiết ra từ cá, vừa thơm, béo lại bùi, đậm đà, rất lạ miệng
Cá được lấy ra khỏi hũ sành, ép nhẹ tay cho chảy hết nước và bớt độ mặn. Sau đó, rải một lớp thính dày dưới đáy hũ, đặt một lớp cá lên trên, cứ một lớp cá, một lớp thính. Dùng nan tre cài phía trên giúp cá được ép chặt, bám thính dễ dàng hơn. Đậy kín miệng hũ, ủ cá vài tuần cho đến khi cá bám thính, ánh lên màu vàng nâu, dậy lên hương thơm nồng là có thể dùng được. Cá được bảo quản kỹ, để dành ăn dần quanh năm, đặc biệt là trong những ngày mùa đông lạnh giá hay những ngày mưa gió, chợ đò cách trở.
Nhớ những ngày miền Trung oằn mình trong mưa bão, mẹ lui cui mở cái hũ sành, gắp vài con cá thính ra đĩa, thêm một ít tiêu bột, bột ngọt rồi hấp cho cá nóng. Mẹ phi một ít dầu phụng với hành bằm rưới lên đĩa cá. Món cá thính có vị béo, thơm của dầu, hành phi, cay nhẹ của tiêu, dai và chua nhẹ của cá, giúp mấy bố con tôi no bụng và ấm lòng qua những ngày mưa gió khắc nghiệt nhất của quê nhà.
Cá thính còn được gói trong lá chuối rồi nướng trên bếp than hồng hoặc kho với thịt heo ba chỉ rất ngon. Bột thính dùng để chấm dưa leo hay dưa gang cũng là một món ăn được nhiều người quê tôi ưa chuộng bởi hương thơm nồng nàn và vị mặn đậm đà rất đặc trưng, không thể lẫn vào đâu được.

Chả cá nấu riêu

Nguyên liệu: 500g thịt cá tươi nạo (cá ba sa hoặc cá thác lác), năm miếng tai chua khô, 200g thì là, 200g hành lá, ba trái cà chua, năm tép hành lá.
Gia vị ướp cá: hai muỗng cà phê hạt nêm, một muỗng cà phê nước mắm, một muỗng cà phê tiêu, một nhúm thì là băm nhuyễn.
Gia vị nêm: hai muỗng xúp nước mắm, hai muỗng xúp hạt nêm.



Thực hiện:
Cho hết phần gia vị ướp cá vào cá nạo, trộn, quết đều và mạnh tay, đến khi thấy chả cá dai là được, vo thành từng viên tròn nhỏ.
Hành, thì là rửa sạch, cắt khúc. Cà chua rửa sạch, cắt múi cau.
Bắc nồi nước lên bếp, đun sôi, cho tai chua vào nấu cho ra nước chua, nêm nước mắm, hạt nêm vừa ăn, thả cà chua vào nước, chờ sôi trở lại.
Sau đó, cho chả cá vào nồi, nước sôi lên là cá cũng vừa chín, cho thì là và hành lá vào.
Món này có thể ăn dạng canh hoặc ăn với bún theo dạng lẩu (nếu ăn lẩu nên thêm rau cần nước). Chấm nước mắm mặn dầm ớt.


Hướng dẫn: Nhà hàng Đen Giòn (49 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3)

2011年6月16日星期四

Bánh hỏi Quy Nhơn

Hòi còn là sinh viên Đại học, với chúng tôi bánh hỏi vẫn là một món quà xa xỉ. Giờ đây, đã đi làm nhiều năm, ăn đủ thứ bánh nhưng tôi vẫn thích món bánh hỏi Quy Nhơn.




Ảnh minh họa: nguồn Internet


Có lẽ sinh sống nhiều năm ở đất võ Bình Định và được ăn nhiều bánh hỏi nên tôi biết khá rõ về cách làm cũng như cách thưởng thức hương vị của nó. Chất liệu chính của bánh hỏi là bột gạo. Gạo ngon, thơm, trắng là tiêu chuẩn hàng đầu để có bánh hỏi ngon. Làm bánh hỏi về cơ bản giống với làm bún, nhưng có phần kì công hơn ở khâu xử lí thành từng thếp (sắp) bánh nhỏ. Khi ép ra, sợi bánh nhỏ li ti như sợi râu bắp. Để bánh mịn, mềm, sợi bánh không dính chụm vào nhau thì công đoạn nhồi bột phải thật kĩ, đúng bài bản, và khi xếp bánh thành thếp trên vĩ phải vừa nhanh vừa khéo. Bánh hỏi thường được đặt trên những mành tre cho ráo nước. Các chị, mẹ ở nhiều cơ sở làm bánh hỏi thủ công nơi đây đều là những thợ lành nghề, có đến tận lò chứng kiến họ thao tác, từ xay, ủ bột đến lúc làm ra chiếc bánh hỏi mới thấy kỳ công thế nào.





Ảnh minh họa: nguồn Internet


Bánh hỏi rất hợp với lá hẹ. Ăn bánh mà không có lá hẹ là mất một phần vị ngon. Hẹ tươi thái nhỏ rắc đều lên bánh, dùng dầu phi thơm, quết một lớp thật mỏng lên từng thếp bánh để lá hẹ dính kết, không bị rơi ra. Nước chấm pha khéo cùng đường đen hoặc đường kết tinh, vắt chút chanh, thêm vài lát ớt đỏ tươi, tạo vị chua chua, ngọt ngọt, hòa cùng vị mặn của nước chấm và vị cay của ớt đi kèm với bánh hỏi, chao ôi ngon tuyệt.
Bánh hỏi không kén những thứ ăn kèm. Cách ăn phổ biến nhất ở Qui Nhơn là bánh hỏi ăn kèm lòng heo, rau sống, dưa leo. Các nơi xa thành phố như An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát... ăn bánh hỏi lại thường có  thịt ba chỉ hay chả lụa cuốn với bánh tráng mỏng, Dẫu thay đổi kiểu nào, biến tấu đến đâu, cũng chẳng thể làm mất đi được hương vị, nét đặc trưng của miếng bánh hỏi ở miền quê này.

2011年6月15日星期三

Độc đáo xôi ngũ sắc của người Cao Lan

Gọi là xôi ngũ sắc bởi món xôi này có 5 màu khác nhau. Theo quan niệm của một số đồng bào các dân tộc thiểu số như: Cao Lan, Tày, Nùng, Thái... ở khu vực miền núi phía Bắc thì mỗi màu sắc thể hiện những ý nghĩa triết lý vũ trụ, nhân sinh  trong ‘‘ngũ hành”.


Độc đáo xôi ngũ sắc
Đồng bào các dân tộc thường làm xôi ngũ sắc vào những dịp lễ, Tết, ngày hội hay trong đám cưới, đám tang... để thờ cúng rồi mới ăn.


Ngày Tết với đĩa xôi mang chữ Lộc
Làm món xôi ngũ sắc cũng lắm kỳ công, về cơ bản các công đoạn cũng giống như làm xôi bình thường, chỉ khác là để tạo ra các màu xôi khác nhau thì cần công phu hơn. Các màu thường là: đỏ, đen, trắng, vàng, xanh hoặc tím (tuỳ vào quan niệm của mỗi vùng mà có những màu sắc khác nhau). Nhưng về cơ bản thì người dân tộc quan niệm Đỏ tượng trưng cho Hoả, đen là màu của Thủy, Trắng là màu của Kim, Vàng là màu của Thổ, Xanh hay Tím tượng trưng cho Mộc.


Ngày tết với đĩa xôi mang chữ Phúc
Để tạo màu sắc cho xôi, đồng bào hoàn toàn sử dụng các chất liệu tự nhiên trong thiên nhiên, không dùng phẩm màu nên không gây độc hại. Tuỳ thuộc vào mỗi vùng, mỗi dân tộc mà nguyên liệu tạo màu sắc có sự khác nhau. Với người Cao Lan (Bắc Giang) thì để có màu xanh đồng bào lấy từ lá gừng, màu đen lấy từ lá cây thau, màu vàng lấy từ củ nghệ vàng hoặc từ quả giành giành, màu đỏ được tạo từ lá cẩm hồng hoặc cẩm tía, còn với màu trắng thì chính là màu của gạo nếp có sẵn. Để tạo ra các màu sắc này đồng bào lấy từng loại lá rừng trên đem nghiền nhỏ rồi vắt lấy nước đặc, mỗi màu đem ngâm riêng với gạo nếp trong nước chừng 6 đến 7 giờ đồng hồ rồi cho từng loại gạo đã được tẩm màu vào chõ xôi để đồ.


Ngày Tết với đĩa xôi mang chữ Thọ
Gạo nếp mà người Cao Lan dùng là loại nếp trồng trên nương có vị đậm đà và thơm hơn nếp bình thường. Màu sắc lôi cuốn và hấp dẫn, hương vị đặc trưng, quyến rũ của gạo nếp nương, cộng thêm những mùi vị rất đặc trưng khác của các loại lá rừng tạo cho xôi ngũ sắc có những dư vị rất đặc biệt, độc đáo và khác lạ.


Xôi ngũ sắc ăn kèm với món chả
Có nhiều cách để thưởng thức xôi ngũ sắc, nhưng theo kinh nghiệm và truyền thống của người Cao Lan thì ăn xôi ngũ sắc cùng với thịt gà, giò, chả là ngon nhất.
Không chỉ có vậy, vào ngày Tết người Cao Lan còn làm xôi với đề tài chúc tụng, mừng xuân, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, bản thân như xôi có chữ “Phúc-Lộc-Thọ”...

Ba món ăn bổ dưỡng từ sữa đậu nành

Sữa đậu nành từ lâu đã được biết đến như một loại nước giải khát thơm ngon, bổ dưỡng. Có nhiều cách chế biến sữa đậu nành có thể giúp bạn chữa bệnh.
Sữa đậu nành mạch nha


Ảnh minh họa: nguồn internet
Đường mạch nha (Quảng Ngãi) 10g, sữa đậu nành đặc 300ml.
Cho đường mạch nha vào chén, rót sữa đậu nành đặc sôi nóng vào, lấy muỗng khuấy đều là được.
Sữa đậu nành mạch nha dùng cho người có cơ thể suy nhược, hen suyễn lâu ngày.
Sữa đậu nành trứng gà


Ảnh minh họa: nguồn internet
Trứng gà tươi 1 quả, sữa đậu nành đặc 1 chén, mật ong vừa đủ.
Đập trứng gà ra chén, dùng đũa đánh đều, cho sữa đậu nành vừa sôi vào, thêm mật ong quấy đều, uống liền (nóng).
Sữa đậu nành trứng gà dùng cho người ho lâu ngày, cơ thể yếu.
Cháo sữa đậu nành


Ảnh minh họa: nguồn internet
Sữa đậu nành tươi 1 lít, gạo tẻ 150g, đường trắng vừa đủ.
Gạo tẻ vo kỹ, đãi sạch, cho vào nồi, đổ sữa đậu nành (thêm một it nước lọc nếu cần) đun với ngọn lửa lớn, rồi chuyển nhỏ lửa trong khoảng 30 phút, nêm đường, cháo nhừ là được.
Món này dùng điều trị các chứng cơ thể hao gầy, ho lâu ngày, táo bón

Món ngon từ tàu hũ ky

Nấu sữa đậu nành sôi, để nguội, trên mặt sữa sẽ có một lớp váng. Người ta vớt lớp váng ấy, phơi trên những tấm lưới. Váng sữa khô lại thành tàu hũ ky.
Tàu hũ ky có hai loại tươi và khô. Nếu là tươi, phải dùng trong ngày. Nếu chiên qua rồi có thể để được hai ngày. Để lâu hơn tàu hũ sẽ bị lên men và có mùi. Tàu hũ ky khô thường để được lâu hơn với điều kiện bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo, vì nếu ẩm, tàu hũ ky sẽ bị mốc đen. 
Tàu hũ ky có thể chế biến theo 2 cách dưới đây:
Tàu hũ ky xào chay


Tàu hũ ky tươi mua về, cắt khúc. Phi hành thơm, cho tàu hũ ky vào xào. Nêm thêm nước tương, nước mắm, bột nêm vừa ăn. Nấu sôi với ngọn lửa nhỏ khoảng 3 phút để gia vị thấm đều là được. 
Tàu hũ ky cuộn măng non


Tàu hũ ky tươi mua ngoài chợ về để nguyên, măng non thái sợi ướp gia vị tiêu, muối, bột nêm cho thấm, rồi xào chín. Cho măng vào tàu hũ ky, cuộn chặt, chiên vàng. Nấu nước dùng gà + me chín + đường + nước mắm + tiêu, thành hỗn hợp chua ngọt. Thả tàu hũ ky cuộn măng vào, khi nào thấy hỗn hợp sền sệt, nổi màu vàng nâu là được.
Khi ăn cắt tàu hũ ky cuộn măng thành khúc nhỏ vừa, dùng nóng.
Lưu ý: Tàu hũ ky có thể cuộn với các loại rau hay măng.

Gỏi bắp chuối luộc


Vào những tháng hè khó kiếm thức ăn, thường xuống mương vườn mò những con ốc đắng đeo bám nơi khúc dừa mục dưới chân cầu đem về làm món gỏi ốc đắng trộn bắp chuối.
Đôi khi vì tất bật công việc ruộng vườn,  không rảnh đi mò ốc thì làm món gỏi bắp chuối suông chấm nước mắm tỏi ớt... Riêng món bắp chuối luộc xé phay thì đặc biệt hơn.


Bắp chuối (phải là bắp chuối xiêm, chuối ngự, chuối hột, chuối sáp… khi chế biến ăn không bị chát) mua ở chợ về lột bớt vỏ ngoài (phần già), lấy lớp nõn (vừa ăn) bên trong. Chẻ bắp chuối ra làm tư,  ngâm vào nước lạnh có pha chút chanh (hay giấm) để bắp chuối không ngả màu nâu sậm.
Cho nồi nước lên bếp nấu sôi rồi thả bắp chuối vào trong khoảng  5 phút. Nhớ dùng đũa dìm bắp chuối chìm ngập trong nước sôi để bắp chuối khi chín không bị đen. Khi bắp chuối mềm, vớt ra cho ngay vào nước lạnh. Chờ nguội vớt ra, cắt cùi (lõi), vắt ráo.
Dùng tay xé bắp chuối đã luộc chín theo chiều dọc thành từng sợi, trộn với nước cốt chanh tươi + muối  + đường cho vừa khẩu vị. Cuối cùng cho rau răm xắt nhuyễn và đậu phộng rang giã giập vào là xong !  Món này nếu dùng chay thì chấm với nước mắm chay (hoặc nước tương) ; nếu dùng mặn thì chấm nước cá chiên hay thịt kho ăn rất ngon. 


Theo các nhà dinh dưỡng, bắp chuối có chứa nhiều thành phần đinh dưỡng tốt cho sức khỏe và lợi tiểu…Theo sách “Phân loại thảo dược tính”, bắp chuối chữa trị được các chứng: ăn không tiêu, nấc cục, nôn mửa,  mụn nhọt độc…

2011年6月8日星期三

Những món ăn Việt để lại dấu ấn với du khách


Phở phổ biến và hấp dẫn người ăn vì nước súp có hương vị rất ngon và bổ dưỡng do được phối hợp từ nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau kết hợp với cấu trúc bánh phở vừa mềm vừa dai ăn rất hấp dẫn. Phở Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới và còn được tôn vinh là “di sản Việt Nam”.


Phở là một món ăn truyền thống rất đặc sắc và phổ biến của người Việt.
Khẩu vị và cách thưởng thức phở thay đổi tùy vùng. Ở Miền Bắc, ngoài Phở bò còn có Phở gà, ăn Phở chỉ dùng chung với hành cọng hoặc hành tím, ít dùng rau.


Ở Miền Nam thì gần như chỉ có Phở bò và dùng rất nhiều loại rau mùi kèm với Phở. Miền Trung thì nước dùng Phở có bổ sung nhiều sản vật của biển như khô mực, tôm khô tạo hương vị đặc trưng cho nước dùng Phở.






Không những ở dạng truyền thống, món Phở còn được phát triển
thành nhiều dạng khác như phở xào và phở cuốn.
Những quán phở Việt Nam vẫn giữ những thói quen là ít khi mang thực đơn cho khách hàng mà khách sẽ phải tự chọn loại phở gì (ví dụ: phở bò, phở gà…). Phở được đựng trong tô. Thông thường thì những bàn ăn được đánh số để phục vụ, trên đó có sẵn đũa, muỗng và những gia vị kèm theo phở như: tương, chanh, nước mắm, ớt…
Bánh cuốn
Bánh cuốn hay bánh ướt là loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, để ăn khi còn ướt, trong có thể cuốn nhân hoặc không nhân (khác với bánh tráng, (bánh đa) phải phơi khô; hay bánh ướt ở miền Nam.


Bánh cuốn Thanh Trì , Hà Nội nổi tiếng
Bánh thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm khi ăn thường kèm thêm chả lợn.

Bánh cuốn Làng Kênh, Nam Định
Những thương hiệu bánh cuốn nổi tiếng ở Việt Nam là : bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn nhân thịt Hà Nội, bánh cuốn Làng Kênh ( Nam Định ),  Bánh cuốn trứng ( Lạng Sơn ), Bánh cuốn Phủ Lý,…
Bánh xèo
Bánh xèo hay bánh khoái là một loại bánh Việt Nam có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt.


Bánh xèo Nam Bộ có cho thêm trứng chấm nước mắm chua ngọt.
Tại miền Bắc Việt Nam, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi.


Bánh khoái của Huế thường ăn kèm với thịt nướng, nước chấm
 là nước lèo gồm tương, gan, lạc.
Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non…
Bún chả
Bún chả là món ngon nổi tiếng Hà Nội, tương tự món bún thịt nướng ở Huế. Cách làm bún chả đơn giản, nhưng để làm được bát bún chả ngon còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và bí quyết gia truyền, đặc biệt quan trọng là cách pha nước chấm. Điều này giải thích vì sao ăn bún chả Hà Nội sẽ khác hẳn so với ăn món này ở nhiều nơi khác.


Bún chả Hàng Mành, Hà Nội
Nhiều hàng quà này ở Hà Nội kết hợp bán bún chả với nem cua bể và món bún chả thường được thưởng thức với bia hơi.


Bún chả que tre  Lạc Long Quân, Hà Nội
Ngày nay – người Hà Nội thường chỉ ăn bún chả vào bữa trưa, và đôi khi, vào bữa chiều, còn ở miền nam, bún chả có thể được thưởng thức vào tất cả các bữa trong ngày.
Món ngon nấu bằng niêu đất

Đặc sản cá kho tộ nấu bằng niêu đất
Niêu đất được làm từ đất không tráng men, có hình tròn hay ovan với chiếc nắp có 2 quai cầm, giúp giữ kín hơi trong quá trình nấu hay hầm thức ăn.


Món cơm niêu thập cẩm vô cùng hấp dẫn
Niêu đất đặc biệt thích hợp với các món hầm và kho, giúp bạn tiết kiệm thời gian, làm tăng hương vị cho món ăn và còn tiết kiệm được năng lượng vì nồi đất giữ nhiệt khá tốt. Các món phổ biến ở Việt Nam thường là cơm niêu, cháo sườn, cá kho…

2011年6月4日星期六

Cơm quấn Kimbab – phong vị ẩm thực xứ Hàn giữa lòng Hà Nội

Tại Hà Nội có một địa chỉ ẩm thực rất thú vị để bạn có thể thưởng thức món Kimbab và những món ăn Hàn Quốc hấp dẫn. Những ai yêu mến ẩm thực của xứ sở kim chi chắc hẳn sẽ biết tới quán ăn này tại số 50 Ngọc Khánh.



Vì yêu mến và có những kỷ niệm gắn bó với đất nước Hàn Quốc xinh đẹp, chị Hiền cùng chồng – anh Lee Yung Chol – đã mở quán Cơm quấn với mục đích quảng bá những món ăn của xứ sở này đến với những thực khách người Việt. Anh Lee đồng thời cũng là một đầu bếp tài năng đã có những sáng tạo để những món ăn Hàn vẫn mang hương vị đặc trưng nhưng có những biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Sau một thời gian, 50 Ngọc Khánh đã là một địa chỉ được nhiều người Hà thành biết đến như một nơi để khám phá thế giới ẩm thực xứ Hàn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thực khách cũng như để có thể quảng bá văn hóa Hàn Quốc đến với nhiều người hơn, chị Hiền cùng chồng đã quyết định mở thêm một cơ sở nữa tại 79 Đào Tấn.



Nằm trên con phố Đào Tấn – con phố nằm ngay sau khách sạn Hanoi Deawoo, nhà hàng Cơm quấn Hàn Quốc Kimbab thực sự là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích ẩm thực Hàn Quốc. Ấn tượng đầu tiên về nhà hàng là sự ấm cúng nhưng cũng không kém phần sang trọng, đậm “chất Hàn”. Ở đây, bạn không những được thưởng thức món cơm quấn vô cùng hấp dẫn mà còn được khám phá một phong cách ẩm thực độc đáo của xứ sở kim chi.


Tới đây, bạn có thể lựa chọn cho mình những chiếc bàn đôi rất riêng tư khi bạn đi 2 người. Còn nếu bạn muốn cả gia đình quây quần để thưởng thức những món ăn độc đáo của nhà hàng thì một chiếc bàn lớn sẽ rất phù hợp. Điều đặc biệt của nhà hàng Cơm quấn Hàn Quốc Kimbab còn là cách phục vụ cũng rất “Hàn”: đồ ăn được bày trên những chiếc bàn thấp và thực khách sẽ được ngồi “bệt” trên thảm cói êm ái, chắc chắn bạn sẽ thấy vô cùng dễ chịu và muốn ngồi mãi không thôi…

Được biết món ăn được thực khách ưa thích nhất của nhà hàng đó là món Kimbab với các loại: Kimbab thường, Kimbab trứng, Kimbab chiên và Kimbab kim chi. Những loại Kimbab hấp dẫn đã được biến tầu bằng những nguyên liệu thuần Việt giúp thực khách dễ dàng thưởng thức. Cơm được rải mỏng trên vỏ cuốn làm bằng rong biển, rồi xếp các loại rau, thịt và trứng xắt sợi lên trên và được cuốn vào thành dạng cuộn trông như những chiếc sushi của Nhật Bản. Những lát Kimbab khi được cắt ra trông như một bông hoa nhỏ nhiều sắc màu. Chắc chắn bạn sẽ thấy vô cùng hấp dẫn khi thưởng thức món cơm này kèm với các loại kim chi cà tím, kim chi giá và kim chi củ cải vàng. Những “khoanh” cơm dẻo thơm kèm với vị cay giòn của kim chi sẽ khiến bạn thấy hấp dẫn, ngon miệng. Thêm một chút thịt chiên hay thịt nướng, sườn nướng hay gà chiên giòn sẽ giúp bạn có một bữa ăn thật ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng.
Nếu bạn đi cùng nhóm bạn bè, gia đình thì một nồi lẩu sườn hoặc lẩu hải sản sẽ khiến không khí thêm phần đầm ấm, xôm tụ. Thêm chút đồ uống là các loại bia, sinh tố hay thưởng thức rượu sâm từ Hàn Quốc, bữa tiệc của bạn chắc chắn sẽ trở nên hoàn hảo.

Món cơm trộn cũng là một trong những món ăn được thực khách khi tới nhà hàng ưa thích. Chắc chắn khi đã thưởng thức rồi bạn sẽ nhớ mãi hương vị rất lạ của cơm được trộn kèm với cà rốt, rau bó xôi, giá đỗ, thịt, trứng, hành tây, nấm, mộc nhĩ. Món cơm trộn được đựng trong một chiếc tô có nhiều màu sắc trông thật thích mắt với màu vàng của trứng, màu cam của cà rốt, màu xanh của rau… Ớ dưới đáy tô còn có một lớp cháy mỏng giòn thơm.


Một trong những món ăn được người Hàn Quốc ưa thích là các món mì. Và tới nhà hàng Cơm quấn Hàn Quốc Kimbab, bạn có thể thưởng thức các loại mì tôm, mì trộn kiểu Hàn rất thơm và dễ ăn. Đặc biệt, nhà hàng có món mì lạnh Hàn Quốc rất độc đáo và lạ miệng mà cũng không kém phần hấp dẫn. Món gà tần sâm của nhà hàng là một trong những món ăn giàu giá trị dinh dưỡng và rất đặc trưng của xứ sở kim chi. Thịt gà được hầm mềm ngọt cùng với hương vị thơm đặc trưng của nhân sâm sẽ tạo cho thực khách ấn tượng khó quên.


Đến với nhà hàng Cơm quấn Hàn Quốc Kimbab chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức không chỉ những món ăn mang đậm phong vị xứ Hàn mà còn được thưởng thức cả một nền văn hóa ẩm thực xứ sở kim chi. Chắc chắn những món ngon của Cơm quấn Hàn Quốc số 79 Đào Tấn sẽ làm hài lòng cả những thực khách tinh tế về ẩm thực nhất.

Thông tin cho bạn:

Nhà hàng Cơm quấn Hàn Quốc – Kimbab
Địa chỉ:79 Đào Tấn – Ba Đình – Hà Nội
ĐT:04 3766 8985